DIỄN ĐÀN LUẬT SƯ | NGHIÊN CỨU - THẢO LUẬN Bản in
 
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM
Tin đăng ngày: 11/9/2010 - Xem: 12449
 

Chuyên đề:

ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT LUẬT SƯ

 

Mục lục.

LỜI NÓI ĐẦU

I.                  NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NGHỀ LUẬT SƯ TRÊN THẾ GIỚI VÀ LUẬT SƯ VIỆT NAM.

1/ Hành nghề Luật sư trên thế giới.

2/ Quá trình hình thành và phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam.

II.               ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT LUẬT SƯ.

1/ Địa vị pháp lý của Luật sư Việt Nam.

2/ Địa vị pháp lý của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo Luật Luật sư.

3/ So với Luật sư Việt Nam, Luật sư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có những hạn chế sau đây:

III.           KIẾN NGHỊ.

KẾT LUẬN.

 

                                              LỜI NÓI ĐẦU

 

"Luật sư giỏi đủ sức để bảo vệ đất nước là rất khó. Mỗi lần tranh tụng với bên ngoài, ta chưa có luật sư giỏi phải đi thuê, nghe nói tới 5-10 triệu USD tôi cũng xót ruột, mà không biết có cãi được gì không?", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với gần 200 luật sư, sáng 8/12/2009.

Thủ tướng trả lời giới luật sư

Sáng 8/12, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại hơn 3 tiếng với đại diện giới luật sư cả nước tại cuộc tọa đàm "Vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế". Thủ tướng đặc biệt ấn tượng khi số lượng luật sư tăng 250% từ năm 2001 đến 2009, với thành viên hiện khoảng 5.800 người. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng luật sư lại luôn khiến người đứng đầu Chính phủ quan ngại. Sự thiếu cọ xát thực tiễn nặng về lý thuyết đang khiến nhiều người học luật chưa đủ kỹ năng để làm việc. Để đảm bảo nhân lực về lâu dài, Chính phủ đã có kế hoạch cử ra nước ngoài để đào tạo 50 luật sư có trình độ cao. Cán bộ pháp chế có trình độ ngoại ngữ, nhưng để tranh luận với đối tác nước ngoài thì lại "chưa được".

Chính vì vậy, luật pháp Việt Nam hiện nay có những cơ chế rộng mở là dòng chảy tự nhiên đón các tổ chức Luật sư nước ngoài vào Việt Nam. Chế độ chính sách đối với luật sư nước ngoài một phần tạo điều kiện để Luật sư Việt Nam có cơ hội tiếp cận với Luật sư nước ngoài học hỏi phong cách làm việc, tác phong, nghiệp vụ làm việc, mặt khác Luật sư nước ngoài cũng đem năng lực, trình độ, kiến thức của pháp luật nước mình vận dụng vào kinh tế Việt Nam thông qua các Điều ước quốc tế.   

 

I/ NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA NGHỀ LUẬT SƯ TRÊN THẾ GIỚI VÀ LUẬT SƯ VIỆT NAM.

1/ Hành nghề Luật sư trên thế giới.

Trên thế giới, nghề Luật sư là nghề có từ rất sớm, nó được hình thành từ nhu cầu bào chữa và trợ giúp pháp lý. Theo nhà cổ học Đa-ghét-xô thì quyền bào chữa xuất hiện sớm nhất Châu Âu cùng với cơ quan xét xử Toà án: “Người biện hộ ra đời cùng với Thẩm phán”. Khi chế độ tư bản ra đời, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh thì nghề luật sư cũng phát triển nhảy vọt.

Nhìn chung, việc bào chữa đầu tiên xuất hiện từ sự minh oan cho bạn bè người thân thuộc bị nhà cầm quyền trừng phạt giam giữ một cách vô cớ. Về sau đó dần dần phát triển thành một nghề tự do có điều lệ. có qui chế do Nhà nước qui định. Trãi qua các chế độ khác nhau, lịch sử nghề biện hộ trong mỗi nước phát triển phù hợp với chế độ chính trị của nước ấy. Dưới chế độ tư bản, nghề luật sư phát triển rất mạnh nhưng trong khuôn khổ pháp luật tư sản.

Ở Pháp, hiện nay có khoảng 38.000 luật sư. Riêng Đoàn Luật sư Paris có tới hơn 12.000 thành viên. Ở Mỹ, nơi mà nền kinh tế thị trường phát triển ở mức độ cao là nước có số lượng luật sư đông nhất thế giới (khoảng gần 1 triệu luật sư). Pháp luật về tổ chức hoạt động luật sư cũng khá hoàn thiện. Nhật Bản cũng là nước có nghề luật sư phát triển mạnh. Ngay từ năm 1949 đã có luật điều chỉnh hành nghề luật sư.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa nghề luật sư tồn tại và phát triển như một trong những điều kiện quan trọng góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.

Hoạt động Luật sư trong cơ chế thị trường được coi là một loại hình dịch vụ nghề nghiệp, được điều chỉnh bằng các đạo luật hành nghề luật sư và các luật lệ về kinh doanh. Các nước theo luật tập quán coi nghề luật sư là một nghề kinh doanh, nhưng thuộc loại hình kinh doanh đặc biệt. Các nước theo luật thành văn coi hoạt động luật sư là một trong những nghề tự do. Được điều chỉnh chặt chẽ bằng những quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn phổ biến để được công nhận luật sư và được cấp chứng chỉ hành nghề bao gồm: Là công dân nước sở tại và có phẩm chất đạo đức tốt. Các quốc gia như Hy Lạp, Bỉ, Italia, Singapore, Anh, Thái Lan, Pháp… đều có thêm những tiêu chuẩn khác.

1/ Tập sự hành nghề luật sư: Thời gian tập sự của các nước quy định khác nhau. Một số quốc gia đòi hỏi thời gian tập sự là 2 năm (như Hy Lạp, Bỉ, Italia, Anh…) một số quốc gia khác lại chỉ quy định thời gian tập sự là 12 tháng như Thái Lan, có nước như Singapore thì chỉ đòi hỏi thời gian tập sự là 6 tháng. Về nơi tập sự, hầu hết các nước quy định luật sư phải tập sự tại văn phòng, công ty luật (như Hy Lạp, Bỉ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp…) , một số còn quy định Luật sư có thể tập sự tại Toà án, Viện công tố (như Đức, Thuỵ Sĩ,…)

2/ Khoá đào tạo Luật sư: Ngoài tiêu chuẩn chung là phải có bằng cử nhân Luật còn phải qua một khoá đào tạo nghề (Anh, Pháp, Nhật Bản…), Pháp quy định thời gian đào tạo là 12 tháng (3 tháng lý thuyết, 9 tháng thực hành), trong khi Đức, Nhật quy định là 2 năm. Thực tập tại Toà án, viện công tố, văn phòng luật sư.

3/ Kỳ thi công nhận luật sư: Nội dung chủ yếu của kỳ thi tập trung vào kiểm tra kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Có thể nói đây là điều kiện bắt buộc đánh giá khả năng hành nghề Luật sư.

4/ Về điều kiện hành nghề Luật sư, điều kiện cần là phải được công nhận là Luật sư và điều kiện đủ là gia nhập một Đoàn Luật Sư và được cấp Giấy chứng nhận hành nghề Luật sư.

5/ Các hình thức hành nghề Luật sư chủ yếu vẫn là Văn phòng luật sư và công ty luật hợp danh, Ở Mỹ, Pháp, Đức còn có thể hành nghề Luật sư dưới tất cả các hình thức kinh doanh thông thường như: Công ty TNHH, Công ty CP, Công ty Liên doanh. Một số nước như Mỹ, Anh, Luật sư có thể làm thuê cho Chính phủ với tư các độc lập cá nhân, tuy nhiên chủ thuê luật sư đồng thời là khách hàng duy nhất của luật sư đó. Ở Italia, Thái Lan thì trong Chính Phủ và các tổ chức doanh nghiệp tồn tại một đội ngũ tư vấn pháp luật, những người này không cần đủ tiêu chuẩn, điều kiện như Luật sư.

Hành nghề của Luật sư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về luật sư của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, Luật về luật sư của một số nước thường dành một chương riêng quy định những vấn đề liên quan đến Luật sư nước ngoài ở nước sở tại. Một số nước khác lại quy định về việc hành nghề của Luật sư nước ngoài trong một văn bản pháp luật riêng. Bộ luật về hành nghề luật sư của Đoàn Luật sư England và xứ Wales có quy định về Luật sư nước ngoài  tại Phần 704.1 và 704.2. Theo đó, một luật sư tranh tụng nước ngoài có thể gia nhập Đoàn luật sư với mục đích tạm thời theo quy chế hợp nhất số 40, có quyền tham gia tranh tụng trong giới hạn đã được quy định trong chứng chỉ hành nghề.

Về tổ chức xã hội của nghề luật sư là tổ chức tự quản trong hoạt động nghề nghiệp thông thường ở 2 cấp ở địa phương và ở trung ương. Về quản lý đối với hành nghề luật sư nguyên tắc hành nghề luật sư là tuân thủ pháp luật, độc lập, trôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ tốt nhất lợi ích khách hàng, chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động nghề nghiệp. Nghề luật sư rất chú ý đến năng lực cá nhân, uy tín nghề nghiệp của luật sư. Nhưng nghề luật sư là một nghề dựa trên sự hiểu biết pháp luật và áp dụng pháp luật, mà chức năng cơ bản là phụng sự công lý và mục đích cao cả của hoạt động tư pháp. Ở hầu hết các nước theo hệ thống thông luật (common law), việc công nhận luật sư là do Toà án tối cao, còn việc cấp chứng chỉ hành nghề là do Hiệp hội luật sư (Anh, Mỹ, Singapore), một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc quy định Bộ Tư Pháp là cơ quan cấp Giấy chứng nhận tư cách luật sư và cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý danh sách luật sư. Nhà nước vẫn quản lý những khâu quan trọng như ban hành những văn bản pháp luật về hành nghề luật sư, quy định chương trình đào tạo và công nhận luật sư, cho phép thành lập hiệp hội luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư và xử lý vi phạm

Như vậy, việc quản lý nghề Luật sư không hoàn toàn giao phó cho các tổ chức nghề nghiệp, mà trong một phạm vi nhất định cũng có sự can thiệp của quyền lực Nhà nước đó là quyền hành pháp hay tư pháp. Bên cạnh sự quản lý của Nhà nước thì các nước đều rất chú trọng đến vai trò tự quản của các tổ chức nghề nghiệp Luật sư.

2/ Quá trình hình thành và phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam.

Nghề Luật sư ở Việt Nam có từ thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ (trước năm 1930) các Luật sư người Pháp chiếm độc quyền hành nghề bào chữa và mãi đến khi có sắc lệnh của Tổng Thống Pháp 25-5-1930, Thực dân Pháp mới tổ chức Hội đồng luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn. Và đến lúc này có Luật sư người Việt Nam tham gia biện hộ. Khi Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời đã có những văn bản pháp lý đầu tiên qui định chế độ bào chữa, điều kiện công nhận luật sư. Nhưng do thời kỳ này nền kinh tế xã hội còn yếu kém, đất nước vừa qua giai đoạn chiến tranh, vì vậy luật sư chưa được phát triển. Có thể nói rằng giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1987, nước ta không có hoạt động luật sư.

Tại Việt Nam, 16.000 người mới có một luật sư. Trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này thấp hơn 10 lần, tại Singapore là 16 lần...

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động hành nghề luật sư ở nước ta cũng bắt đầu được hình thành.

Pháp lệnh tổ chức và hoạt động luật sư năm 1987 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển và hoạt động của luật sư ở nước ta. Tuy nhiên, trong thời gian này số lượng Luật sư trong cả nước tăng chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội phát triển. Năm 1989, cả nước có 186 luật sư (trong đó có 186 luật sư kiêm nhiệm). Tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh luật sư tính đến tháng 9-2001 trên cả nước có 2.100 luật sư, trong đó có 1.632 luật sư chính thức và 468 luật sư tập sự.

Luật luật sư năm 2006 được ban hành là một bước tiến rõ rệt, với các qui định đầy đủ về hành nghề luật sư, điều kiện gia nhập Đoàn luật sư … đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển. Số lượng luật sư tăng từ 1.883 luật sư và 1.535 luật sư tập sự (tính đến 31-05-2005) thì đến tháng 6-2008 cả nước đã có gần 4.200 luật sư và 2.000 người hành nghề tập sự luật sư.

 

II/ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT LUẬT SƯ.

Hiện nay, nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, do đó chúng ta phải thực hiện các cam kết quốc tế. Điều này có thể dẫn đến có thể phát sinh các tranh chấp mang tính quốc tế, đó là các tranh chấp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài, tranh chấp giữa Việt Nam với nước khác trong hoạt động kinh doanh thương mại… Trong khi đó, phần lớn các luật sư Việt Nam chưa đủ sức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước, thậm chí lợi ích quốc gia.

1.     Địa vị pháp lý của Luật sư Việt Nam.

Hoạt động hành nghề của Luật sư vào những năm đầu phát triển chỉ mới tập trung tranh tụng tại Toà. Hình thức tư vấn pháp luật cho công dân và tổ chức chưa được đẩy mạnh trong hầu hết các Đoàn luật sư, thậm chí có Đoàn luật sư trên thực tế chưa có tổ chức thực hiện hình thức giúp đỡ pháp lý quan trọng này.

Luật sư Việt Nam có những bước chuyển biến rõ rệt, dịch vụ pháp lý của Luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Có thể nói trên cơ sở những quy định ngày càng thông thoáng hơn của pháp luật cộng với sự nỗ lực của các luật sư, dịch vụ pháp lý của Luật sư tăng lên đáng kể về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng.

a.     Tham gia tố tụng:

Việc tham gia tố tụng của Luật sư Việt Nam từng bước phát triển. Đa số các luật sư với tinh thần trách nhiệm cao hơn trước với khách hàng và trước pháp luật. Hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư đã được đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà, góp phần quan trọng trong việc cải cách tư pháp. Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc tham gia tố tụng của các luật sư không những đảm bảo tốt hơn quyền được bào chữa của bị can bị cáo, của các được sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sữa chữa những thiếu xót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Lĩnh vực hành nghề chủ yếu và có tầm quan trọng đặc biệt của các Luật sư. Số lượng án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động … v.v. mà luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng tăng lên đáng kể so với những năm trước đây.

Đặc biệt sau khi Nghị quyết số 08/NQ-TƯ ngày 02-01-2002 của Bộ chính trị nêu rõ: “Khi xét xử các toà án … việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa … Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để các Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng…” thì vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã được nâng lên.

Nhiều cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng được thuận lợi hơn. Ý kiến của Luật sư tại phiên toà đã được cơ quan công tố xem xét, ghi nhận.

b.     Tư vấn pháp luật:

Là lĩnh vực hành nghề quan trọng của Luật sư đặc biệt là nhu cầu về tư vấn pháp luật trong xã hội ngày càng tăng nhanh. Các luật sư đã mở rộng và phát triển tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, dân sự, thương mại. Trong lĩnh vực tư vấn về pháp luật dân sự thì tư vấn về đất đai, hôn nhân gia đình đang là mảng tư vấn phổ biến và sôi động nhất.

Tư vấn pháp luật của các luật sư trong thời gian qua cũng được tăng lên, nhiều luật sư đã tham gia tư vấn cho những hợp đồng thương mại, những dự án đầu tư lớn đạt kết quả tốt, được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng và hài lòng. Tuy nhiên số lượng và chất lượng, những hoạt động tư vấn pháp luật của các luật sư còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, và vẫn có thể được xem là khâu yếu cần được các luật sư chú trọng trong thời gian tới.

c.     Các dịch vụ pháp lý khác:

Phổ biến là giúp cá nhân tổ chức thực hiện các dịch vụ pháp lý như thủ tục thành lập doanh nghiệp, chuyển nhượng bất động sản, xuất nhập cảnh, … cũng đã được các luật sư quan tâm và đang có chiều hướng phát triển, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

2.     Địa vị pháp lý của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam theo Luật Luật sư.

Sự du nhập và dòng chảy chất xám của Luật sư nước ngoài về Việt  Nam, một quy luật tất yếu.

Hoạt động hành nghề Luật sư nước ngoài tại Việt Nam trong vòng 10 năm qua đã hình thành và phát triển dựa trên cơ sở các quy định pháp luật ngày càng thuận lợi và thông thoáng của Nghị Định số 87/2003/NĐ-CP ngày 22/7/2003 và hiện nay là Luật luật sư.

Tháng 2/1996, 14 Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài đầu tiên đã được Bộ Tư Pháp cấp giấy phép. Từ năm 1996 đến nay, Bộ Tư Pháp đã xem xét và cấp giấy phép thành lập 60 chi nhánh và công ty luật nước ngoài, cho phép trên 120 luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Hiện nay, trong cả nước có 27 chi nhánh và 7 công ty luật nước ngoài với 90 luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề.

Về cơ bản, các quy định của Nghị Định số 87/2003/NĐ-CP về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam là đầy đủ, phù hợp với thực tiễn nghề luật sư, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về lĩnh vực dịch vụ pháp lý trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và phương án đàm phán gia nhập WTO. Do vậy, các quy định của Luật Luật sư chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các quy định tương ứng của Nghị định số 87/2003/ND-CP về điều kiện, hình thức và phạm vi hành nghề, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, những vấn đề về tổ chức, hoạt động của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam và hành nghề của luật sư Việt Nam được điều chỉnh trong cùng một văn bản pháp luật thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao (Chương IV của Luật Luật sư, từ Điều 45 đến Điều 69). Cụ thể như sau:

-         Tổ chức luật sư nước ngoài có thể hợp tác hành nghề, liên doanh với công ty luật, văn phòng luật sư của Việt Nam để thành lập pháp nhân mới. Trước đây, theo quy định của pháp lệnh luật sư năm 2001 và Nghị Định số 87/2003/NĐ-CP, thì chỉ Công ty Luật hợp danh của Việt Nam mới được tham gia thành lập công ty luật hợp danh với tổ chức luật sư nước ngoài.

-         Mở rộng phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Tại Điều 70 của Luật Luật sư đã quy định: “Chi nhánh, Công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Toà án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài đã thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự”. Trong khi đó, theo quy định của Nghị Định số 87/2003/NĐ-CP thì tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được cử luật sư của mình tham gia tố tụng tại Toà Án.

-         Quy định cụ thể hơn về hình thức hiện diện của công ty luật nước ngoài, về chế độ trách nhiệm, bao gồm 2 loại Công ty: Công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài, công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh.

-         Luật Luật sư đã xoá bỏ việc giới hạn phạm vi hành nghề của Văn phòng luật sư Việt Nam và Công ty luật hợp danh theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 (Công ty luật hợp danh chỉ được tư vấn pháp luật, không được cử luật sư tham gia tố tụng). Nhờ vậy, tổ chức luật sư nước ngoài được mở rộng cơ hội hợp tác hành nghề của luật sư Việt Nam: Văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH. Đây là điều kiện thuận lợi cho tổ chức luật sư nước ngoài tìm kiếm, lựa chọn đối tác để liên doanh, hợp tác hành nghề tại Việt Nam.

-         Việc quy định về tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được cử luật sư Việt Nam hành nghề trong tổ chức đó tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện cho khách hàng trước Toà án Việt Nam là giảm bớt hạn chế về tiếp cận thị trường đối với tổ chức luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập  WTO của Việt Nam. Có thể nói, quy định này là một bước tiến mạnh dạn trong việc mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý so với một số nước trong khu vực (Singapore, Trung Quốc, Thái Lan...) nhằm mục đích:

o      Tạo điều kiện thực tế cho các luật sư Việt Nam tham gia vào các vụ kiện mang tính chất quốc tế, qua đó có thể nâng cao kiến thức và kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp quốc tế. Trong thời gian qua, đã có 02 luật sư Việt Nam công nhận là thành viên của công ty luật nước ngoài, 02 luật sư được bổ nhiệm là Trưởng chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài. Một số văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh của Việt Nam đã hình thành, phát triển và bước đầu khẳng định được tên tuổi của mình nhờ đội ngũ luật sư trẻ, được hỗ trợ đào tạo từ các tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài. Tuy vậy, phần lớn các luật sư Việt Nam đang hành nghề tại chi nhánh, công ty luật nước ngoài còn thiếu và yếu về kỹ năng tranh tụng, đại diện trước Toà Án, cần sớm được bồi dưỡng trong thời gian tới.

o      Tạo ra sân chơi bình đẳng giữa luật sư Việt Nam làm việc trong các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam với luật sư Việt Nam làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Bởi vì, về nguyên tắc, luật sư Việt Nam được hành nghề trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ pháp lý theo quy định của pháp luật. Mặt khác, quy định này cũng khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thuê Luật sư Việt Nam làm việc cho mình, qua đó Luật sư Việt Nam có cơ hội được đào tạo về kiến thức pháp luật quốc tế, kỹ năng hành nghề và trình độ ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam.

o      Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam: Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có thể tiếp nhận và thực hiện trọn gói vụ việc cho khách hàng, từ việc tư vấn đến việc tranh chấp phát sinh tại Toà Án Việt Nam.

-         Việc quy định chế độ trách nhiệm hữu hạn của loại hình công ty luật nước ngoài là một điểm thuận lợi cơ bản cho tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam. Quy định này của Luật luật sư phù hợp với xu thế phát triển của nghề luật sư trên thế giới. Ngày càng có nhiều công ty luật với chế độ TNHH thay vì mô hình công ty luật truyền thống có trách nhiệm vô hạn. Quy định về công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh không chỉ là việc thay đổi tên gọi (về mặt hình thức) so với công ty luật hợp danh Việt Nam và nước ngoài theo Nghị Định số 87/2003/ND-CP, mà có sự thay đổi về bản chất. Từ chỗ chưa quy định rõ chế độ trách nhiệm gì (có thể là hợp danh có trách nhiệm vô hạn hoặc hợp danh hữu hạn) nay đã chỉ rõ tính chất TNHH. Thay vì công ty hợp danh, hình thức công ty luật liên doanh mới thể hiện đúng yêu cầu theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (Phụ lục G). Trên thực tế, từ khi Nghị Định số 87/2003/ND-CP có hiệu lực, chưa có một công ty luật hợp danh Việt Nam và nước ngoài nào được thành lập tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ việc mở rộng hình thức tổ chức hành nghề tổ chức hành nghề càng tăng thêm khả năng lựa chọn, nhưng chỉ hình thức nào phù hợp, phổ biến, dễ thành lập và quản lý thì mới trở thành ưu tiên lựa chọn của tổ chức luật sư nước ngoài (ví dụ: hình thức chi nhánh, công ty luật 100% nước ngoài).

-         Luật luật sư thể hiện rõ nét sự gắn kết các quy định về hành nghề của luật sư với pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Điều này càng khẳng định, dịch vụ pháp lý ở Việt Nam – trong đó có hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài là một bộ phận quan trọng không thể tách rời môi trường kinh doanh đầu tư; được phát triển trong khuôn khổ chính sách và pháp luật chung về kinh doanh, đầu tư.

1.1.         Với sự hiện diện tại Việt Nam và tham gia tư vấn cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tạo tâm lý tin cậy và an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam qua đó góp phần quan trọng trong việc thu hút và thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo thành công cho nhiều dự án lớn tại Việt Nam trong một số lĩnh vực vực trọng điểm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường ở nước ta, tạo điều kiện chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

1.2.         Trong hoạt động hành nghề, các chi nhánh, công ty luật nước ngoài hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của Việt Nam (văn phòng luật sư, công ty luật), qua đó giúp các luật sư Việt Nam có thêm cơ hội học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng hành nghề tư vấn pháp luật chuyên nghiệp và ở phạm vi quốc tế, cũng như trình độ về quản lý. Trong thời gian qua, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức tư vấn pháp luật của Việt Nam để thực hiện tư vấn cho các dự án đầu tư lớn hoặc các yêu cầu của khách hàng có liên quan đến tư vấn về pháp luật của Việt Nam. Hình thức hợp tác đa dạng, ký kết hợp đồng theo vụ việc, hợp đồng khung dài hạn. Đa số các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài duy trì quan hệ hợp tác thường xuyên với nhiều đối tác Việt Nam; thiết lập, củng cố quan hệ chặt chẽ với nhiều Đoàn luật sư và các văn phòng luật sư, công ty luật, công ty tư vấn đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM.

Các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã chủ động tiếp nhận và tích cực đào tạo nhiều luật sư tập sự, cử nhân luật Việt Nam tập sự hành nghề. Đây là một nguồn nhân lực trẻ, giỏi và năng động, thông thạo ngoại ngữ, nắm vững kiến thức và kỹ năng hành nghề, tạo sơ sở để phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, các tổ chức luật sư nước ngoài còn thu hút hàng trăm nhân viên lao động là người Việt Nam, tạo điều kiện về việc làm và thông qua công việc đã bồi dưỡng cho họ kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, trong công tác quản lý, quản trị văn phòng.

1.3.         Phần lớn các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đã tích cực hợp tác với cơ quan, tổ chức của Việt Nam trong một số lĩnh vực: giúp đỡ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ luật sư Việt Nam; chủ trì tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm; tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản pháp luật quan trọng; cấp học bổng cho sinh viên luật; tài trợ cho một số đoàn nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài... Một số luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (đặc biệt là các luật sư Anh, Pháp, Hoa Kỳ) có đóng góp tích cực trong việc tham gia xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật liên quan quan đến đầu tư, kinh doanh, thương mại, tăng cường năng lực hoạt dộng của hệ thống các cơ quan tư pháp của Việt Nam; tham gia không thu phí nhằm hỗ trợ thi hành Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; quảng bá về môi trường đầu tư của Việt Nam nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại thương mại giữa Việt Nam với các nước.

3.     So với Luật sư Việt Nam, Luật sư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có những hạn chế sau đây:

Hạn chế luật sư nước ngoài tiếp cận thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam; Hạn chế áp dụng đối xử nguyên tắc quốc gia đối với luật sư nước ngoài; Các quy định pháp luật trong nước hạn chế luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý.

Một là, Hạn chế luật sư nước ngoài tiếp cận thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam

Thứ nhất : Hạn chế về hình thức hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Theo khoản 1 Điều 69 Luật Luật sư quy định hai hình thức hành nghề là chi nhánh của tổ chức hành nghề công ty luật nước ngoài và công ty luật nước ngoài (bao gồm công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài và công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh).

Thứ hai: Luật Luật sư không có quy định hạn chế phương thức cung cấp  dịch vụ pháp lý qua biên giới và phương thức tiêu dùng dịch vụ pháp lý và dịch vụ trọng tài hoà giải lãnh thổ.

Thứ ba: Luật Luật sư không có quy định hạn chế về tiếp cận thị trường tư vấn luật nước ngoài và luật quốc tế. Luật luật sư của Việt Nam không phân biệt giữa luật nước mình và luật nước thứ ba. Cả hai loại luật này được gọi là luật nước ngoài. Luật sư nước ngoài và Luật sư Việt Nam nếu muốn tư vấn luật nước ngoài hoặc luật quốc tế thì phải có văn bằng phù hợp. Điều này thể hiện sự cởi mở của thị trừơng Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn luật nước ngoài và luật quốc tế.

Thứ tư, Luật Luật sư không quy định các hạn chế khác về thị trường dịch vụ pháp lý, như phải có sự đồng ý chủ quan của đoàn luật sư địa phương về việc thành lập cơ sở hành nghề của luật sư nước ngoài tuỳ  theo nhu cầu kinh tế (trên cơ sở khoản 2 điều 16 GATS) hoặc bên nước ngoài chỉ góp vốn 49% trong liên doanh.

Hai là: Hạn chế áp dụng đối xử nguyên tắc quốc gia đối với luật sư nước ngoài.

Thứ nhất, Luật Luật sư không quy định về vấn đề công ty luật hợp danh, nhưng lại quy định về công ty luật liên doanh giữa tổ chức hành nghề nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam (Điều 69 và Điều 72). Theo quy định tại khoản 1 điều 73 Luật luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có quyền thuê luật sư Việt Nam làm việc, mà không có nghĩa vụ phải hợp tác với các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Thứ hai, Luật Luật sư và Luật Doanh Nghiệp năm 2005 không có quy định hạn chế việc sử dụng tên của công ty luật nước ngoài và quốc tế, trừ các trường hợp hạn chế theo thông lệ (như cấm đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác – Điều 31-34 Luật Doanh Nghiệp 2005).

Thứ ba, Luật luật sư quy định điều kiện về nơi cư trú đối với luật sư nước ngoài có nghĩa vụ “có mặt thường xuyên tại Việt Nam”. Điều này có thể tạo ra một số khó khăn cho quan hệ hành chính giữa luật sư nước ngoài với các cơ quan quản lý.

Thứ tư, luật sư nước ngoài và luật sư trong nước trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý nội địa Việt Nam thì phải có trình độ chuyên môn ngang nhau về pháp luật Việt Nam, thể hiện ở văn bằng luật Việt Nam. Điều 76 Luật luật sư cho phép luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với luật sư Việt Nam nhưng không được tham gia tố tụng trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.

Thứ năm, Luật luật sư không quy định các hạn chế khác về áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia đối với luật sư nước ngoài như điều kiện về ngôn ngữ chỉ công nhận văn bằng nước ngoài của công dân nước mình đi học ở nước ngoài; điều kiện theo đó tổ chức luật sư nước ngoài phải có khả năng cạnh tranh ở nước của họ: điều kiện theo đó luật sư nước ngoài phải tham gia tích cực vào hoạt động kinh doanh để có thể duy trì một lợi ích cho một công ty luật địa phương; v.v.. Tất cả các biện pháp này đều được coi là các hạn chế về áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia đối với luật sư nước ngoài, bởi vì chúng tạo ra sự phân biệt đối xử nhằm chống lại các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên cả phương diện pháp luật lẫn thực tế.

Ba là: Các quy định pháp luật trong nước hạn chế luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ pháp lý.

Thứ nhất, Điều kiện hành nghề luật sư nước ngoài, Điều 74 Luật luật sư không đòi hỏi Luật sư nước ngoài phải gia nhập một đoàn luật sư địa phương (như đòi hỏi đối với luật sư trong nước tại Điều 11 Luật luật sư), hoặc đòi hỏi phải qua một cuộc kiểm tra chuyên môn. Điều này làm cho quy định của pháp luật Việt Nam trở nên thông thoáng không kém quy định pháp luật Hoa Kỳ.

Điều 74 Luật Luật sư cũng không đòi hỏi Luật sư nước ngoài phải trãi qua một thời gian hành nghề nhất định.

Thứ hai, vấn đề kinh doanh đa ngành nghề theo Luật doanh nghiệp 2005 thì Luật Luật sư cũng không đề cập đến. Ví dụ, một tổ chức kinh tế nước ngoài muốn thành lập Công ty TNHH tại Việt Nam để kinh doanh đồng thời các dịch vụ như dịch vụ kiểm toán, dịch vụ xây dựng, tư vấn sở hữu trí tuệ và tư vấn pháp luật. Có thể thực tiễn kinh doanh nghề luật ở Việt Nam chưa nảy sinh vấn đề phức tạp, hoặc các nhà quản lý lập pháp chưa dự kiến được những vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, nhất là  khi các dịch vụ này được mở cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Chi nhánh, Công ty Luật nước ngoài tại Việt Nam được cử Luật sư Việt Nam tham gia trong chi nhánh, công ty mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hang trước Toà án Việt Nam đối với vụ, việc mà chi nhánh, công ty thực hiện tư vấn pháp luật, trừ vụ án hình sự (Điều 70).

III. KIẾN NGHỊ:

Trong quá trình tác nghiệp, Liên đoàn luật sư toàn quốc, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nên ngồi lại cùng nhau để xây dựng quy chế phối hợp với tinh thần phát huy vai trò của luật sư, nhưng cũng phải bảo vệ công lý, đảm bảo các nguyên tắc điều tra cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Muốn xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện và có chất lượng tốt thì không thể thiếu đóng góp ý kiến của người dân, trong đó luật sư là rất cần thiết. Đây là đội ngũ có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm cọ xát thực tiễn. Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư toàn quốc xây dựng quy chế phối hợp hoạt động nhằm phát huy được "chất xám" của các luật sư trong việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện thể chế.

Về nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật: Tuyển sinh vào Đại học Luật nên tuyển chọn những học sinh giỏi ngoại ngữ, có năng khiếu về diễn đạt ngôn ngữ, hoạt động đoàn hội,… Hợp tác quốc tế trong đào tạo luật sư, xây dựng củng cố đội ngũ giảng viên. Luật sư Việt Nam cũng cần đào tạo nghiệp vụ có trình độ chuyên môn cao, uy tín nghề nghiệp và khả năng cạnh tranh với các luật sư nước ngoài để tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Các doanh nghiệp nhà nước phải có đội ngũ cán bộ pháp luật đủ mạnh để trước mắt giúp đơn vị hoạt động đúng pháp luật, đảm bảo tính pháp lý của các hợp đồng kinh tế.

   

KẾT LUẬN

 

Nghề Luật Sư có những đặc thù riêng không giống như các nghề kinh doanh, thương mại. Việc hành nghề Luật sư không lấy điểm xuất phát và không dựa vào vốn mà dựa vào kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề của luật sư. Nghề luật sư rất chú ý đến vai trò cá nhân, uy tín nghề nghiệp của Luật sư và tính chất của nghề tự do trong tổ chức hành nghề luật sư.

Đối với Luật sư Việt Nam, chúng ta phải thường xuyên trao dồi chuyên môn nghiệp vụ và tập sự, hành nghề trong các tổ chức hành nghề có uy tín, chất lượng tại các Công ty luật Việt Nam, tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam, thường xuyên cập nhập thông tin về pháp luật quốc tế và thông thạo ngoại ngữ.

Đối với Luật sư nước ngoài, Pháp luật Việt Nam cần tạo nhiều điều kiện hơn nữa để tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả, tránh trường hợp gây trở ngại khó khăn bởi rào cản pháp lý. Các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam thành tích phát triển khả quan, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, từng bước củng cố và phát triển nghề luật sư, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

 Luật sư Lê Thị Thu Hằng

 

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

·        Luật Luật Sư năm 2006.

·        Nghị Định số 87/2003/NĐ-CP về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam.

·        Pháp lệnh luật sư năm 2001.

·        Quy định về hành nghề của tổ chức luật sư và luật sư nước ngoài tại Việt Nam – Dương Thu Phương.

·        Giới thiệu về nghề luật sư ở một số nước trên thế giới – Vụ Bổ Trợ Tư Pháp.

·        Luật sư Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế - Lại Thế Anh.

 

 

 
Diễn đàn Luật Sư khác:
7 căn bệnh lớn về quản trị doanh nghiệp Việt Nam (27/3/2009)
Điều quan trọng hơn các chỉ số tài chính (27/3/2009)
Quy tắc thị trường chứng khoán của Schabacker (29/3/2009)
Những điều cấm kỵ trong thị trường chứng khoán (29/3/2009)
5 yếu tố quan trọng trong business plan (31/3/2009)
Các bước chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược (31/3/2009)
Đôi điều về Quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp Luật sư (11/4/2010)
Tổ chức hoạt động và hành nghề Luật Sư Việt Nam, thực trạng và hướng phát triển (11/4/2010)
KỸ NĂNG THU THẬP, NGHIÊN CỨU VÀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ CỦA LUẬT SƯ TRONG CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH (16/4/2010)
Kỹ năng của luật sư khi tham gia tranh tụng trong vụ án lao động với hình thức sa thải người lao động (17/4/2010)
QUY TẮC MẪU VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ (8/5/2010)
LUẬT LUẬT SƯ 2006 (8/5/2010)
NGHỊ ĐỊNH Số: 28/2007/NĐ-CP - Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư (8/5/2010)
Luật giao dịch điện tử năm 2005 (14/5/2010)
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM (11/9/2010)
 
GIỚI THIỆU CHUNG
Nhu cầu tư vấn luật hiện nay vô cùng cần thiết cho mọi doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng cao hiện thực Pháp Luật đi vào cuộc sống, mỗi năm Quốc Hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi, cập nhập và ứng dụng vào thực tế của Doanh Nghiệp mình. Những văn bản đó không chỉ là Bộ Luật, Luật mà còn đi kèm các văn bản dưới luật như Nghị Định, Thông Tư, Thông Tư Liên Tịch v.v…
VIDEO CLIPS
TRANG CHỦ | GIỚI THIỆU | TIN TỨC - SỰ KIỆN | DỊCH VỤ - TƯ VẤN | DIỄN ĐÀN LUẬT SƯ | SỨC KHOẺ - TÀI CHÍNH | VĂN HOÁ - ĐỜI SỐNG | QUẢNG CÁO | LIÊN HỆ

Văn phòng Luật sư Số 3 Nghệ An
Địa chỉ: Số 44 Mai Hắc Đế, TP Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 0974.707.418 (Trần Đình Tý)
Email: [email protected]
Website: http://tuvanluatvietnam.net

 
Thiết kế website bởi TVC Media
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0974.707.418