DIỄN ĐÀN LUẬT SƯ | THÔNG TIN PHÁP LUẬT Bản in
 
Đôi điều về Quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp Luật sư
Tin đăng ngày: 11/4/2010 - Xem: 14288
 

Luật sư là một nghề đang được xã hội quan tâm, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Luật sư được hiểu như một nghề dựa trên dựa trên sự am hiểu pháp luật và áp dụng pháp luật[1], họ gánh vác sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm tôn trọng tính tối cao của pháp luật, bảo đảm pháp chế. Nghề luật sư được điều chỉnh và kiểm soát rất chặt chẽ bằng các quy định pháp luật. Nhưng vẫn chưa đủ, ngoài các quy định pháp luật, nghề luật sư còn đặt trong những khuôn mẫu chuẩn mực đạo đức nhất định mà xã hội trao cho họ.

     Với thiên chức của nghề, người luật sư đòi hỏi cần phải nhận thức và ứng xử một cách có đạo đức trong xã hội, về quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, tuân thủ những giá trị chuẩn mực của cuộc sống đã đem lại. Khi đề cập đến đạo đức của nghề luật sư là chúng ta đề cập đến sự mệnh mà người luật sư phải thực hiện; là nói đến phẩm chất, thanh danh của họ; là kỹ năng hành nghề và cuối cùng là những chuẩn mực ứng xử của luật sư trong khi hành nghề. Nói ngắn gọn, đạo đức nghề luật sư bao gồm những nguyên tắc ứng xử mà luật sư phải tuân thủ khi hành nghề[2].

     Nhận thấy được tầm quan trọng đó, ngày 05/8/2002 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP về việc ban hành Quy tắc về mẫu đạo đức nghề nghiệp luật sư. Trong (bộ) Quy tắc mẫu này ngoài Lời mở đầu, nội dung đã được chia thành 4 chương, cụ thể:

-         Chương 1: Yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp luật sư

-         Chương 2: Quan hệ với khách hàng

-         Chương 3: Quan hệ của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác

-         Chương 4: Quan hệ đồng nghiệp

     Trong bài viết này, Tôi sẽ tập trung đi vào phân tích đối với Yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp luật sư dựa trên 4 quy tắc cơ bản:

-         Quy tắc 1: Giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp

-         Quy tắc 2: Độc lập, trung thực và khách quan

-         Quy tắc 3: Văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống

-         Quy tắc 4: Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý

v  Luật sư phải giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp

     Luật sư luôn giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp; không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt chức năng nghề nghiệp của luật sư, tôn vinh nghề nghiệp luật sư.

     Luật sư cần hành nghề với cái đức và cái tâm của mình. Phẩm giá người luật sư chẳng khác ngoài sự tôn trọng và tự trọng đối với nghề nghiệp của mình, phải hiểu được cái thiên chức cao quý của nghề - người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Phẩm giá đó thiết nghĩ đến từ chính sự cương trực, như biểu tượng của sự công lý trong xã hội, dù khó khăn, áp lực vẫn không chùn bước. Đó là điều mà mỗi luật sư của chúng ta phải có.

     Phẩm giá và uy tín của luật sư còn thể hiện ở trình độ hiểu biết và khả năng vận dụng pháp luật trong quá trình hành nghề của mình. Yêu cầu của hoạt động này là hướng dẫn cho đương sự hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật để biết cách xử sự tháo gỡ vướng mắc của họ phù hợp với pháp lý và đạo lý. Tính chất công việc của luật sư khác hẳn với việc làm “thầy cò thầy kiện” mà xã hội thường khinh ghét. Hoạt động của luật sư là sự chỉ dẫn cái đúng, cái sai,việc gì được làm, việc gì không được làm, việc gì nên làm. Luật sư là người hoạt động khoa học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác, luôn luôn lấy việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Do đó, hoạt động của luật sư đòi hỏi phải có khoảng cách khác biệt với việc làm của loại “thầy cò thầy kiện''. Đó chính là nền tảng đạo đức nghề nghiệp luật sư.

     Luật sư là nghề cao quý trong xã hội, nó không hoàn toàn giống như những nghề nghiệp kinh doanh khác trong xã hội. Đơn cử như đối với việc quảng cáo, dù trong thời kỳ bao cấp hay cơ chế thị trường bối cảnh hội nhập, thì điều đó vẫn không được khuyến khích, mặc dù pháp luật không cấm luật sư làm điều này. Việc quảng cáo của luật sư đòi hỏi phải có “thẩm mỹ” và đảm bảo “uy tín”, chẳng hạn như quảng cáo trên xe cứu thương, xe buýt, tại bệnh viện,… là không thể chấp nhận. Hơn nữa, nội dung quảng cáo cũng không được quá sự thật, không chính xác hay về tỷ lệ thành công.

v  Luật sư cần độc lập, trung thực và khách quan

     Luật sư  độc lập, trung thực và tận tụy trong hành nghề; không vì bất kỳ lợi ích vật chất, tinh thần hoặc áp lực nào khác mà làm sai lệch sự thật, trái pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp.

     Phẩm giá và uy tín của luật sư còn thể hiện khi phải đứng giữa và phán quyết cho sự đối trọng của cường quyền (quyền lực, chính trị) và công lý, giữa tiền bạc và sự công tâm, khách quan. Lợi ích vật chất không thể làm mờ mắt người luật sư chân chính, cường quyền không thể làm chùn chân người luật sư cương trực và chỉ có công lý mới có thể làm kim chỉ nam dẫn đường cho họ.

     Hoạt động nghề nghiệp của luật sư phải dựa trên sự thông hiểu tường tận về pháp lý và đạo lý. Luật sư phải biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm chuẩn mực để xem xét mọi khía cạnh của sự việc nhằm xác định rõ đâu là đúng, đâu là sai, thế nào là phải, thế nào là trái, từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp loại bỏ cái sai, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, đó chính là bảo vệ công lý.

v  Luật sư cần có văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống

     Luật sư ứng xử đúng mực, có văn hoá trong hành nghề và trong lối sống để luôn tạo được sự tin cậy và tôn trọng của xã hội đối với luật sư và nghề luật sư.

     Văn hoá có thể được hiểu là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử; là những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần; là tri thức, là biểu hiện của văn minh nhân loại. Do vậy, văn hóa ứng xử của luật sư sẽ thể hiện trong cách hành xử của luật sư đối với khách hàng, đối với những người tiến hành tố tụng, trong cách hành xử đối với những người tham gia tố tụng và ngay cả đối với những luật sư đồng nghiệp của mình.

     Cách hành xử ấy đòi hỏi luật sư phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, phải thể hiện thiện chí hợp tác cùng nhau giải quyết vụ án một cách hợp lý và hợp tình. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào và luật sư nào trong số chúng ta đều có thể làm được. Văn hoá đó thể hiện ở chính những lời nói, những hành xử của luật sư – cách hành xử có văn hóa, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của cuộc sống sẽ tạo nên sự tôn trọng của chính những người tham gia tố tụng và của chính cả xã hội đối với họ.

     Không dừng ở đấy, đạo đức nghề luật sư chúng ta không cho phép xúc phạm hay hạ thấp uy tín của đồng nghiệp, không được dùng thủ đoạn đối với đồng nghiệp để giành lợi thế cho mình trong hành nghề, cũng như thông đồng với nhau để mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính. Luật sư phải đối xử với nhau một cách có văn hóa.

v  Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư

     Nghĩa vụ cao cả của luật sư là tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đồng thời, khi thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý này luật sư cần tận tâm, tích cực như đối với các vụ việc có thù lao.

     Chúng ta đều nhận thấy rằng xã hội luôn tồn tại sự phát triển không đồng đều cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như những người nghèo, người già đon côi, người chưa thành niên, người tàn tật, những nhóm người mà quyền lợi của họ dễ bị xâm phạm và một điều trớ trêu là những người ở vào vị thế thấp kém này lại là đối tượng thường bị ức hiếp, bị đối xử bất công, bị hành xử một cách trái pháp luật. Do vậy, họ rất cần sự giúp đỡ, bênh vực của người khác – đó cũng là trách nhiệm của xã hội. Điều ấy phải đến từ sự trợ giúp của luật sư.

     Ngay từ thời kỳ cổ đại, xã hội tôn vinh những người dám đứng ra bênh vực, trợ giúp các đối tượng bị ức hiếp được xem là các “hiệp sỹ”. Sự trợ giúp của luật sư trong những trường hợp này là hết sức cần thiết, đồng thời đó phải là sự sự giúp hoàn toàn vô tư, không vụ lợi. Ngày nay, xã hội loài người đã được hưởng thành quả của nhiều nền văn minh, giá trị đạo đức nhân loại đó không thể bị xoá nhoà mà thậm chí còn phải được vun đắp và phát triển ngày càng phổ biến và hiệu quả hơn. Vì thế, hoạt động trợ giúp của luật sư đối với những đối tượng này không chỉ là bổn phận mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của nghề nghiệp luật sư.

     Tóm lại, đặc thù của nghề luật sư đòi hỏi luật sư ngoài các phẩm chất chung là Chân-Thiện-Mỹ, còn phải là người có khối óc thông minh, tấm lòng trong sáng, dũng cảm, biết lấy pháp luật, lợi ích của con người và đạo đức xã hội làm cơ sở cho hoạt động của mình, điều ấy mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội. Đạo đức nghề luật sư bao gồm những nguyên tắc ứng xử mà luật sư phải tuân thủ khi hành nghề, người luật sư cần biết giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp, độc lập, trung thực và khách quan trong quá trình hành nghề, giữ được văn hoá ứng xử trong hành nghề và lối sống đồng thời thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý một cách tận tuỵ.

                                       

Luật gia: M.Duyên

[1] TS. Nguyễn Văn Tuân, Luật sư và hành nghề luật sư, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, HN 2002, trang 5.

[2] TS. Nguyễn Văn Tuân, Luật sư và hành nghề luật sư, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, HN 2002, trang 123.

 
Diễn đàn Luật Sư khác:
7 căn bệnh lớn về quản trị doanh nghiệp Việt Nam (27/3/2009)
Điều quan trọng hơn các chỉ số tài chính (27/3/2009)
Quy tắc thị trường chứng khoán của Schabacker (29/3/2009)
Những điều cấm kỵ trong thị trường chứng khoán (29/3/2009)
5 yếu tố quan trọng trong business plan (31/3/2009)
Các bước chuẩn bị cho kế hoạch chiến lược (31/3/2009)
Đôi điều về Quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp Luật sư (11/4/2010)
Tổ chức hoạt động và hành nghề Luật Sư Việt Nam, thực trạng và hướng phát triển (11/4/2010)
KỸ NĂNG THU THẬP, NGHIÊN CỨU VÀ SỬ DỤNG CHỨNG CỨ CỦA LUẬT SƯ TRONG CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH (16/4/2010)
Kỹ năng của luật sư khi tham gia tranh tụng trong vụ án lao động với hình thức sa thải người lao động (17/4/2010)
QUY TẮC MẪU VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ (8/5/2010)
LUẬT LUẬT SƯ 2006 (8/5/2010)
NGHỊ ĐỊNH Số: 28/2007/NĐ-CP - Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư (8/5/2010)
Luật giao dịch điện tử năm 2005 (14/5/2010)
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ LUẬT SƯ NƯỚC NGOÀI HÀNH NGHỀ TẠI VIỆT NAM (11/9/2010)
 
GIỚI THIỆU CHUNG
Nhu cầu tư vấn luật hiện nay vô cùng cần thiết cho mọi doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng cao hiện thực Pháp Luật đi vào cuộc sống, mỗi năm Quốc Hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi, cập nhập và ứng dụng vào thực tế của Doanh Nghiệp mình. Những văn bản đó không chỉ là Bộ Luật, Luật mà còn đi kèm các văn bản dưới luật như Nghị Định, Thông Tư, Thông Tư Liên Tịch v.v…
VIDEO CLIPS
TRANG CHỦ | GIỚI THIỆU | TIN TỨC - SỰ KIỆN | DỊCH VỤ - TƯ VẤN | DIỄN ĐÀN LUẬT SƯ | SỨC KHOẺ - TÀI CHÍNH | VĂN HOÁ - ĐỜI SỐNG | QUẢNG CÁO | LIÊN HỆ

Văn phòng Luật sư Số 3 Nghệ An
Địa chỉ: Số 44 Mai Hắc Đế, TP Vinh, Nghệ An
Điện thoại: 0974.707.418 (Trần Đình Tý)
Email: [email protected]
Website: http://tuvanluatvietnam.net

 
Thiết kế website bởi TVC Media
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0974.707.418